Friday, July 15, 2011

Hai Mươi Bảy Năm Sau



Mến tặng cái Thái Dương 530 lẫy lừng của vùng trời tam biên (Cách riêng Thái Dương Nguyễn Đức Cơ), các phi công trực thăng sư đoàn sư đoàn 6 Không Quân, các Bắc Đẩu 118 (cách riêng thầy Võ Ý, đã một thời tam biên oai trấn), các Sao Mai 114 (cách riêng Nhơn, Hưởng, Ngọc là những người đã đi biệt phái Pleiku mút chỉ mờ sông với chú út) để nhớ rằng, “Ta cũng có một thời Tam Biên Oai Trấn, Lạnh tím người ba biên giới mưa bay” (thơ Trương Minh Dũng)

Khoảng thời gian từ năm 1972 tới năm 1999 là 27 năm... Hai mươi bảy năm. 
Phải, hai mươi bảy năm.  Một bên là thành phố Pleiku nghèo nàn lại cuồn cuộn máu lửa, mạng người rẻ như cỏ tranh nhưng lòng người cao vời chất ngất.  Một bên là thành phố San Jose, thung lũng điện tử lừng danh của thế giới, của những căn nhà  ba bốn trăm ngàn một cái, của những buổi sáng ngồi xe đi làm ba bốn tiếng đồng hồ mới tới sở, của chốn phồn hoa đô hội, của những tình người nhạc như nước vôi... 
Một bên là những chiếc xe pick-up màu xanh, những chiếc xe cam nhông, xe díp nhà binh.  Một bên là những chiếc xe Mercedes, Lexus, Accura đời mới giá có chiếc nhiều khi bằng cả... một đời người đi làm. 
Một bên là những bộ đồ lính đủ thứ loại, từ chiếc áo bay với khăn quang cổ đến chiếc áo rằn ri của lính Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt. 
Một bên là những mái đầu xanh... pi-lốt, đẹp trai con nhà giàu nghèo đủ thứ nhưng học giỏi con gái mê. 
Một bên là những người Mỹ gốc Việt bụng phệ, có người đeo kiếng lão kính cận với những người đẹp xa xưa bây giờ đã trở thành những hiền phụ (hoặc đôi khi, đáng buồn thay, ác phụ, ăn hiếp chồng suốt ngày và đòi hỏi đủ thứ). 
Một bên là những giai nhân sắc nước hương trời, những hồ mắt giai nhân, những đường cong tuyệt mỹ.  Một bên là những bà mẹ tuổi đã quá Xuân, khuôn mặt tư lự với những vết nhăn của những lo âu phiền muộn về chồng con, về tháng ngày và về cuộc đời. 
Một bên là những tiếng đề pa lạnh người của những quả đại pháo 130 ly, hoả tiễn 122 ly, những tiếng đạn bay xé gió nghe kinh khiếp hơn cả tiếng hú của tử thần và những tiếng chạm nổ xé màng tai khi đạn tới đích. 
Một bên là những tiếng hát điêu luyện truyền cảm không thua gì ca sĩ chính gốc trong những cuộc thi tuyển ca sĩ karaokê vui vẻ. 
Một bên là những người mẹ già cúi đầu thật sâu trước tượng Phật hay tượng Chúa, “Lạy Trời, cho đất nước hết chiến tranh để con trai tôi về nhà.” 
Một bên là những khuôn mặt nhăn nhúm ngồi nhìn đám trẻ vui đùa ăn nhậu và thấy trống vắng ngậm ngùi như mình là kẻ đến từ một tinh cầu xa lạ, đêm về thầm khấn vái trời phật một lời cầu xin chân thành “Còn sống được ngày nào, xin đừng để tôi làm khổ con cái ngày đó”. 
Một bên là hận thù và lòng yêu nước cuồn cuộn dâng trào. 
Một bên là lòng tham vô đáy hoặc lòng vị kỷ vô song, không bao giờ là đủ...
Và cuối cùng, một bên là những chiếc phi cơ Skyraider A1-H, những chiếc trực thăng UH- 1, những chiếc C-130 đen thùi lùi, những chiếc L-19 nhẹ nhàng ẻo lả, những cây minigun , những cây cà nông 20 ly trên cánh chiếc Skyraider A1 ... đẹp chết người. 
Một bên là ... chẳng còn gì cả ngoài những tâm hồn trống vắng, những thao thức cùng xót xa của những kẻ đã một thời từng xả thân cho quê hương đất nước.
Nhưng, kể từ thuở loài người biết mài đá làm dao cho đến khi biết chế ra xe tăng đại pháo để xâm lăng và giết chóc lẫn nhau, có chuyện thua trận nào là chuyện không đau buồn tủi nhục đâu thưa bạn?
Trong hoàn cảnh đó, tôi gặp lại Thái Dương Nguyễn Đức Cơ sau 27 năm...  Một bên (lại một bên) là một phi công lẫy lừng của một phi đoàn khu trục biên trấn, một bên là một realestate agent thành công với nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn và một... cặp kính trên sống mũi...
Và tôi phải có lý do khi nói như thế...
Tôi vừa tạm cư ở thành phố San Jose được chừng vài tháng.  Mỗi ngày, buổi sáng tôi đi ra khỏi giường rồi ngồi vào bàn máy điện toán.  Buổi chiều, tôi đi từ cái dàn máy điện toán trở lại vào... giường ngủ và leo lên.  Không đi đâu cả.  Nói tóm lại thì tôi sống một cuộc đời ẩn cư.  Không muốn biết ai và cũng chẳng muốn ai biết mình.  Không phải vì tôi muốn chơi cao hay làm khó hay ngon lành gì hơn ai, tôi chỉ muốn sống thầm lặng một thời gian để “Tìm lại linh hồn mình giữa một nước non hiu quạnh” (St. Exupery).  Thật vậy, xin hiểu giùm tôi.   Cuộc đời người ta, khi mình trải qua một cuộc thay đổi lớn (như ...trúng số chẳng hạn) mình cần một thời gian im vắng để nhìn lại mình, hay tìm lại linh hồn mình...  Thỉnh thoảng, một hai lần gì đó, đàn anh Nguyễn Quí Chấn còn ưu ái đến nhà chở tôi đi ăn phở.  Phải, Phở. (Có nhiều khi tôi nghĩ, văn hoá dân tộc mình sẽ là một nền văn hoá rất khô khan nếu không có ... phở.  Phở ngon như phở Bình luôn luôn làm cho lòng người lữ khách như tôi thấy ấm lại)  Chúng tôi ... ăn phở tận tình, húp đến miếng nước súp cuối cùng và nói chuyện tâm tình. Rồi ai về nhà nấy.
Một ngày đẹp trời, đàn anh Nguyễn Quí Chấn gọi mời tôi đến nhà Cơ chơi.  Tôi ừ ừ cho xong chuyện.  Có lẽ đàn anh biết thế nên buổi tối cùng đi với đàn anh Nguyễn Văn Kim đến tận nhà tôi để chở tôi đi.  Việc này làm tôi cảm động và tôi quyết định đi, dù không quen không biết Cơ là ai.
Bước vào nhà thì bao nhiêu “ẩn sĩ” trong người tôi biến mất hết.  Trong nhà toàn là tài tử cùng giai nhân cũng những “phi công ngày cũ”, mà lại là phi công khu trục mới ngon...
Mới đầu, tôi để ý đến giáng dấp một phi công mặt mày khắc khổ, hình tượng gầy gò na ná như hình tượng của một kẻ sĩ trong truyện tàu.  Hỏi ra mới biết đó là anh Hai, biệt  hiệu Hai Còi, cựu Thiếu Tá, cựu Thái Dương 530.  Anh Hai Còi, giống như bao nhiêu phi công khu trục khác sinh ra trong trái đất này, là một người ... đẹp trai và vui tánh.  (phi công L- 19 cũng thế nhưng hơi ...dâm hơn một chút)  Anh mang tên Hai Còi là bởi ngày xưa anh vào quân trường thân thể ốm quá nên bạn bè gọi là còi.  30 năm sau anh vẫn còn còi như ... 30 năm trước.  Còi nhưng nụ cười và tâm hồn chẳng còi chút nào.  Trái lại, tâm hồn anh còn hừng hực lửa. Lửa của những ngày “Ta cũng đã một thời tam biên oai trấn, Lạnh tím người ba biên giới mưa bay... (thơ Trương Minh Dũng)”  nhưng cũng có lửa của tủi nhục và hận thù.  Tôi nhớ anh lập lại mấy lần câu  “Thua trận mất nước như tụi mình chẳng có gì để hãnh diện.”
Ngồi nhìn anh Hai Còi nói chuyện, tôi nhớ đến những ngày dài biệt phái Pleiku hồi xưa...
Hồi đó, chúng tôi được biệt phái cho sư đoàn 23 bộ binh và vì sư đoàn dời từ Ban Mê Thuột lên Pleiku nên chúng tôi phải khăn gói đi theo.  Đất Pleiku là đất của mưa rừng và gió núi.  Phố xá đìu hiu và buồn kinh khủng.  Tôi nhớ những ngày khăn gói lên Pleiku, tôi bước xuống phi cơ mà có cảm tưởng như mình bước xuống chốn lưu đày.  Tôi tự hỏi, sao người ta có thể sống được ở một chỗ buồn như thế này.  Ấy thế mà vào câu lạc bộ nhìn thấy thiên hạ cười nói ồn ào, đùa giỡn hồn nhiên thì mới thấy được rằng ở đâu rồi cũng quen đó.  Biệt phái ở Pleiku không có chuyện gì làm, tôi khám phá ra một thú vui khác là thú vui ngồi ngắm những chiếc A1 cất cánh.  Hồi đó tôi thường nói đùa với bạn bè rằng: “Nếu là mây anh sẽ là loại mây trắng, nếu là hoa anh sẽ là một đóa hướng dương, nếu là phi công, anh chỉ nên lái Skyraider A1” Skyraider A1 là một loại phi cơ lớn và rất khó lái.  Và khi phi cơ cất cánh, động cơ nổ  2200 mã lực của chiếc tàu bay gầm thét lên như rung chuyển sơn hà.  Lên trời, không phải như mấy anh A-37 “chưa đánh đã đòi về”, Skyraider A1 nhẩn nha quý phái thả từng trái bom một một cách chính xác.  Ở trên trời mà xin được một phi tuần Skyraider A1 thì quý hơn gấp 3 lần một phi tuần A-37.
Câu chuyện với anh Hai còi đưa đẩy một lúc thì chúng tôi trở lại những ngày xưa hồi chiến cuộc còn nóng bỏng dữ dội của năm 1972...
Tháng 4 năm 1972, trong trận đánh mà bây giờ báo chí Mỹ gọi là “The Easter Offensive of 1972”, muốn thử giò thử cẳng quân đội ta sau ngày Mỹ rút, cộng quân đem hơn chục sư đoàn bộ binh tràn vào miền Nam trắng trợn xâm lăng.  Riêng vùng II Chiến Thuật,  cộng quân tập họp 4 sư đoàn bộ, 3 trung đoàn xe tăng và 3 trung đoàn phòng không quyết chiếm Cao Nguyên Việt Nam để cắt đứt miền Nam làm hai phần. 
3 giờ chiều ngày 28 tháng 4 năm 1972, 2 sư đoàn bộ binh và một trung đoàn thiết giáp Việt cộng bao vây và tấn công Tân Cảnh, thị trấn cực bắc của Cao Nguyên Việt Nam.  Quân trú phòng gồm có nhảy dù và sư đoàn 22 bộ binh cầm cự anh dũng, đẩy lui nhiều đợt tiến của giặc.  Trận đánh diễn ra suốt buổi chiều và kéo dài qua đêm...
Một giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1972, thiếu tá phi công khu trục Hai Còi của phi đoàn 530 đang ngủ thì điện thoại gọi anh lên cất cánh.  Phòng hành quân cho biết bộ tư lệnh sư đoàn 22 ở Tân Cảnh bị tấn công, xe tăng Việt cộng đã tới phía ngoài phòng tuyến,  cần mấy khu trục lên yểm trợ gấp.  Một giờ sáng là cái giờ... tối hù và buồn ngủ.  Và điều quan trọng ở đây là phi cơ Skyraider A1 không phải là loại phi cơ có khả năng để đánh đêm.  Nhưng viễn ảnh bộ tư lệnh sư đoàn 22 bộ binh bị tràn ngập là một viễn ảnh không thể chấp nhận được.  Hai Còi biết những giờ phút sắp tới là những giờ phút căng thẳng và nguy hiểm vô cùng nhưng mình là lính.  Mình lãnh lương để đánh giặc và giặc về rồi, mình phải đánh.  Hai còi cười khì một cái rồi chụp lấy nón bay, cùng mấy người bạn ra tàu.  Mấy chiếc Skyraider A1 ra so hàng ở phi đạo rồi từng chiến một cất cánh lên, biến mất trong màn đêm.  Anh Hai Còi tâm sự:
-Trời tối và thời tiết xấu quá nên không bay hợp đoàn được.  Mỗi người xách một chiếc tàu bay cất cánh lên, đâm thủng bức tường mây tới mục tiêu nhưng phải trở về.  (một tiếng chửi thề nhỏ ở đây) Mục tiêu bị mây phủ kín. Có thấy gì đâu mà đánh.  Trở về nhưng một lúc sau lại cất cánh lên trở lại.  Cũng chẳng thấy gì để đánh.  Lại phải trở về và rồi cất cánh lên lần nữa.  Rồi lại trở về.
Nhưng rồi trời cũng sáng trở lại.  Trần mây bây giờ lên được ... một ngàn bộ.  Quân trú phòng đã cầm cự anh dũng dù tăng Việt Cộng vẫn còn tiếp tục tới gần hơn nữa.  Bây giờ thì phi công khu trục Việt Nam cất cánh ào ào. 
Một trong những người đó là thiếu úy Nguyễn Đức Cơ. 
Và những gì xảy ra sau đó đã trở thành những mẩu chuyện của lịch sử, có sổ sách ghi lại hẳn hòi.  Người viết kể lại không phải để “tôn vinh” Không Quân, cũng không phải để “cứ chuyện cũ nói hoài”, nhưng như là một món quà nhỏ của một người đã từng góp máu dành cho một người khác đã từng góp máu của Không Quân Việt Nam.  Những người như Cơ cần được biết tới trong cộng đồng chúng ta...
Hồi ấy Cơ là phi công trẻ tuổi mới ra trường và giống như bao nhiêu phi công trẻ tuổi mới ra trường thời đó, Cơ bay rất hăng và thả bom rất chính xác. Trần mây thấp 1 ngàn bộ có nghĩa là không thả bom được vì bom cần phải thả ở một độ cao tối thiểu là 1500 bộ thì mới đủ sức ép để làm nổ ngòi nổ và do đó bom mới nổ.  Còn bay trên một ngàn bộ tức là bay trong mây, thấy gì mà thả.  Nhưng tăng Việt cộng về như thế thì làm sao đây?  Không lý bay vòng vòng nhát cho chúng nó sợ?  Đây là những câu hỏi làm nát lòng người phi công, những câu hỏi không ai trả lời được...
Anh Hai Còi tâm sự, giọng đau đớn pha lẫn chút hãnh diện của một thời đã góp máu:
-Ông biết tụi tôi thả thế nào không?  Cứ bay dưới một ngàn bộ rồi tới gần đó, kéo tàu bay lên 1500 bộ rồi bấm rớt bom...
Thêm một ngụm bia, một tiếng khà rồi anh Hai Còi nhăn mặt lại:
-Nếu hôm đó có Rocket chống xe tăng thì tụi tôi đã quét sạch chúng nó trong vòng 15 phút...  Khổ cái là hôm đó mình không có rocket, chỉ có bom nổ và bom Na-pan...
Vì không có rocket chống xe tăng nên đến 11 giờ sáng, xe tăng Việt cộng vẫn còn đầy dẫy khắp nơi.  Và thiếu úy NguyễnĐức Cơ lâm trận...
Hôm ấy Cơ mang bom Na-pan tức bom xăng đặc.  Ai cũng biết rằng bom xăng dùng để chống chiến thuật biển người nhưng Cơ lại dùng bom xăng để chống xe tăng.  Hiệu quả của một trái bom xăng trúng vào vào xe tăng như thế nào không ai biết, nhưng thiếu úy Nguyễn Đức Cơ chỉ biết một điều quan trọng:  thả trái bom chính xác vào xe tăng để ngăn chận đường tiến quân của giặc.
Cơ xuống lần đầu tính thả, nhưng hụt.  Cơ kéo tàu lên, lồng lộn quay trở lại để làm cú thứ hai.  Cơ xuống thấp, thấp và thấp hơn nữa. (Đi Na-Pan thì phải đi thấp mới trải bom ra như một thấm thảm được)  Cơ bấm rớt bom và kéo tàu lên thì nhận ra chuyện khác lạ trong tàu...
Đây là cái cảm giác mà người phi công sợ nhất trong cuộc đời bay bổng của mình.  Nó giống như cái cảm giác khi quý vị lái xe, vặn tay lái quẹo phải nhưng nó không chịu quẹo hoặc nguy hiểm hơn, lại quẹo trái.
Phi công Nguyễn Đức Cơ biết ngay chuyện gì xảy ra cho mình.  Tàu bay anh bị trúng đạn.  Anh nhìn ra ngoài và thấy cánh trái bị đạn phòng không bắn rách eleron ( bộ phận bánh lái để ra lệnh cho phi cơ nghiêng cánh.)  Phi cơ không còn tuân lệnh anh nữa.  Anh kéo tàu lên khỏi những loạt đạn quái ác, hy vọng rằng kéo tàu bay ra khỏi mây thì những gì mình vừa nhìn thấy chỉ là ... một giấc mơ...
Nhưng tàu không lên được nữa.  Và tệ hơn, tàu bay mất thăng bằng bắt đầu chúi mũi xuống đất.  Không kiểm soát được phi cơ nữa, Nguyễn Đức Cơ thò tay kéo ghế cho hoã tiễn bắn mình ra ngoài..
Đây là một hành động tận cùng của người phi công...  tận cùng bởi vì giữa cái chết trước mặt và việc nhảy ra khỏi tàu bay để rồi cũng chết, thì hành động kéo dù nó nhẹ nhàng hơn...
Chiếc ghế bay của Nguyễn Đức Cơ được hỏa tiễn bắn ra khỏi phòng lái, Nguyễn Đức Cơ biến thành người lính nhảy dù bất đắc dĩ, bay lơ lững trong không khí...  từ phía dưới, những tràng đạn cuồng nộ và hèn nhát của cộng quân chỉa vào người Cơ và nổ tới tấp.  Chúng nó muốn bắn gục một người chiến sĩ không còn vũ khí trong tay, một kỵ sĩ đã ngã ngựa.
Từ trên trời cao, thiếu tá Hai Còi nhìn chiếc dù của thằng em mình bay lửng lơ trong gió mà ruột đứt ra từng khúc. Anh Hai Còi lăn lộn trong phòng lái, nhào lên lộn xuống tìm cách làm câm họng những họng súng quái ác đang bắn thằng em mình...   Anh mở vô tuyến liên lạc với các đơn vị bộ binh, với tất cả những ai anh có thể liên lạc được để cứu thằng em.
Trời Pleiku vốn đã lạnh lùng và cô  quạnh, một cánh dù lẻ loi càng làm cho người ta thấy cô quạnh hơn...
Vì nhảy dù ở cao độ thấp nên chẳng bao lâu dù của Cơ rớt xuống đất.  Cơ bung dù chạy thật xa ra khỏi chỗ đáp và ngồi im trong một hố bom...
Chẳng bao lâu sau đó một hợp đoàn trực thăng trực thăng Việt Nam dưới sự hướng dẫn của anh Hai Còi tiến vào vùng tìm Cơ.  Phòng không Việt cộng nổ tới tấp nhưng hợp đoàn trực thăng vẫn lầm lì tiến vào tìm cơ...
Cơ ngồi dưới hố bom, nghe tiếng trực thăng đến gần và chuẩn bị mở máy lên thì ầm một tiếng, con chim sắt đầu đoàn trực thăng đã bị đạn phòng không cày rách tung trên bầu trời.  Chiếc trực thăng bốc lửa và cắm đầu xuống đất đem theo mạng sống của toàn thể anh em phi hành đoàn trực thăng...
Tất cả những sự hy sinh đều đáng quý, nhưng quý giá nhất vẫn là xả thân mình để cứu người.  Xin dành một phút mặc niệm cho phi hành đoàn trực thăng đã anh dũng hy sinh.
Những chiếc trực thăng còn lại liền tản mác ra để khỏi bị đạn.  Thế là cuộc tiếp cứu coi như chấm dứt.  Nằm dưới hố bom, Cơ biết rằng kể từ giờ trở đi, nếu muốn trốn thoát, mình phải tự lo liệu lấy.  Bạn bè đã làm hết mình, Không Quân Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể làm được.  Phần quân bạn dưới đất, họ đang bị vây hãm, thân họ còn lo chưa xong, nói gì đến chuyện phái người ra đi tiếp cứu mình.
Thấy cái máy RT-10 (máy vô tuyến dùng để liên lạc với phi cơ khi bị lâm nạn) đang cầm trên tay phát ra những tiếng píp píp to quá, Cơ tắt luôn máy.  Thế là sợi dây liên lạc duy nhất giữa Cơ và anh em liền bị cắt đứt.
Và Cơ bắt đầu đi.  Đi về hướng Nam. Vừa đi vừa chạy, vừa để ý quan sát để tránh né bọn Việt cộng đang cho người tới tìm Cơ.
Kể từ khi cánh dù của Cơ chạm đất, chắc chắn là con cháu bác Hồ phải cử một “phái đoàn” tiến về hướng dù rơi để “đón tiếp” Cơ.  Nhưng chúng chỉ nhìn thấy cánh dù.  Và chắc chắn tên chỉ huy phải ... thất vọng lắm và phải thét lên như thế này:
-Mẹ bố tiên sư, thằng giặc nái nguỵ trốn mất rồi, nhưng nó không chạy xa nổi đâu.  Các đồng chí phải khẩn trường truy kích nó, ráng bắt nấy thằng giặc nái ác ôn đem về đây.  Chúng mình nột da đầu nó.
Nhưng bản năng sinh tồn của con người mạnh vô song.  Mặc cho các chú bộ bội muốn kiếm thế nào thì kiếm, Cơ lần lần thoát ra khỏi vùng dù rớt.  Cơn đi rất khéo.  Đi một lúc rồi nằm im nghe ngóng.  Đến khi nào chắc ăn rằng không có ai gần đó nữa Cơ mới tiếp tục đứng dậy chạy đi...
Một lần, Cơ đang ngồi nghĩ trong một bụi rậm thì một anh bộ bội bác Hồ nhìn thấy Cơ.  Nhưng có lẽ trời còn thương Cơ nên nó nghĩ Cơ là một anh bộ đội khác.  Nó hỏi gì đó, Cơ chưa kịp trả lời thì nó đã bỏ đi...
Nếu ai bảo con người không có số mạng thì phải nghe Cơ kể lại chuyện này.
Rồi Cơ lại đi nữa.  Đi xa khỏi khu vực nguy hiểm càng nhiều càng tốt.  Bao nhiêu nhiêu sức lực dồn hết xuống đôi chân.  Đi cho đến chiều, tới một nơi thấy vắng tiếng súng, Cơ biết mình đến chỗ tạm gọi là an toàn, mở RT-10 ra gọi cầu cứu...
Ở nhà, kể từ khi mất liên lạc với Cơ, ai cũng tưởng Cơ đã bị Việt cộng bắt  hay bị giết.  Bây giờ bỗng dưng nghe được tiếng gọi của Cơ, ai nấy mừng húm.  Thế là thông điệp “thằng Cơ còn sống” được truyền đi khắp nơi.  Các phi cơ trực thăng bay gần vùng đó liền để ý tìm kiếm.
Một trực thăng lạc loài của trùm CIA hồi đó, cựu trung tá John Paul Vann bay gần đó nghe được liền liên lạc với Cơ.  Cơ cho biết vị trí và sau vài cú lượn, con chim sắt của John Paul Vann xà xuống bốc Cơ lên chở về bộ tư lệnh quân đoàn.
Cơ vừa sống qua một ngày dài nhất và nguy hiểm nhất trong đời mình.  Một ngày có thể thay đổi cả cuộc đời mình...
Thường thường, phi công bị bắn rớt rồi leo lên tàu bay trở lại thì dễ bị một cái bịnh gọi là bịnh “lạnh cẳng”.  Cũng giống như một con chim bị tên bắn hụt một lần hễ nhìn thấy cung thì sợ.  Nhưng Cơ thì không.  Cơ nghỉ ngơi vài  ngày, bắt cái phép về Sài gòn vi vút với đào rồi trở ra và bay bổng trở lại ngon lành như chẳng có chuyện gì xảy ra.  Gặp tăng Việt cộng Cơ cũng nhào xuống thấp và trái bom nào  chính xác trái đó.  Và Cơ cũng không bao giờ coi chuyện rớt tàu của mình là một thành tích để lên mặt phách lối với ai.  Cơ chỉ coi đó như là một tai nạn và mình may mắn thoát qua được...
Tôi nhớ một lần đi biệt phái Pleiku, Cơ có ghé qua biệt đội 114 ở dãy BOQ để thăm ai đó trong phi đoàn tôi.  Chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện với Cơ và hỏi Cơ về việc rớt tàu bay.  Chúng tôi hỏi một phần vì tò mò và một phần vì cũng muốn học chút kinh nghiệm của một người đã bị bắn rớt và thoát được lưỡi hái tử thần để sau này nếu có rớt, chúng tôi biết cách thoát. Hồi đó, ai cũng sợ ngày mai có thể tới lượt mình.  Chiến tranh mà.  Cơ thành thật kể lại những gì xảy ra một cách khiêm nhường từ tốn.  Dưới mắt chúng tôi hồi đó, (những phi công L-19) thì Cơ đã là một anh hùng dù hồi đó Cơ mới mang lon trung úy. Nhưng Cơ không coi đó cũng là chuyện bình thường như chuyện ăn cơm.  Vì chuyện của Cơ đặc biệt nên tôi nhớ câu chuyện và nhớ luôn cả người...
Rồi thời gian qua, rồi nước mất, rồi ngoảnh mặt lại, những mái đầu xanh ngày giờ đã lấm tấm hoa râm...  27 năm sau, tôi gặp lại Cơ. Cả hai chúng tôi không nhớ nhau, chỉ bắt tay và trao đổi những câu hỏi xã giao.  Nhưng ngồi nói chuyện một lúc nghe anh Hai Coi kể chuyện Cơ thì tôi nhớ ra Cơ ngay...
Tôi viết lại bài này, như đã nói ở phần trước, không phải để tôn vinh Không Quân, cũng không phải để thương tiếc dĩ vãng.  Tôi chỉ muốn làm một việc khiêm nhường là kể lại một chuyện thoát hiểm tài tình của một phi công Việt Nam.  Và sự chiến đấu dũng cảm của anh ta.  Một sự chiến đấu anh dũng mà ai cũng phải ghi nhận...
Nếu có loại phi công nào cô đơn nhất trên bầu trời thì phải nói đó là phi công khu trục.  Tất cả những thứ phi cơ khác đều có ít nhất là hai người trong tàu bay ngoại trừ phi công khu trục.  Họ một mình một tàu và người bạn gần gũi nhất là chiếc phi cơ đang bay ở bên cạnh mình.  Càng cô đơn hơn nữa khi cất cánh đi hai chiếc, trở về chỉ còn lẻ loi một chiếc như phi tuần của Cơ ngày bị bắn rớt.
Tôi hy vọng rằng con cháu Cơ sau này nếu đọc được tiếng Việt, các cháu sẽ đọc và hãnh diện về bố mình, một phi công khu trục của QLVNCH.
Đâu đó, văng vẳng trong tai tôi bài hát oai hùng của cục Chính Huấn ngày nào:
“Ai đã từng qua Dakto, Daksean, Benhet ... Ngã ba biên giới vùng Tây Nguyên thấy xác quân thù vùi chôn bao phen nơi đây...  Chiến thắng Tam Biên oai hùng...  Anh hùng trấn tam biên.... Anh hùng Trấn Tam Biên”
Hai mươi bảy năm sau, ngồi giữa đám phi công khu trực đã một thời “Tam Biên oai trấn,” nhìn những mái đầu bạc, những nếp nhăn, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện nhỏ.  Một buổi sáng, đang ngồi trong phi đạo chờ xe tới đón thì tôi nhìn thấy hai ông “Thái Dương” (Danh hiệu truyền tin của phi đoàn 530  khu trục) mặc áo bay ra check tàu.  Nhìn hai người phi công làm những động tác check tàu, tôi có cảm tường như mình đang nhìn hai kỵ sĩ  lừng danh thời trung cổ chuẩn bị lên đường dẹp giặc.  Người họ toát ra một vẻ gì vừa anh hùng lại vừa nghệ sĩ.  Hai người phi công thư thả check tàu, leo lên cánh kiểm soát xăng, ngồi xuống kiểm soát bom đạn.  Nếu có hình ảnh trên đời này mà người ta gọi lạ đẹp, thì đây là một hình ảnh đẹp...
Và tôi chợt cảm thấy một niềm vui nhẹ nhàng dâng lên trong người.  Vui nhẹ nhàng vì dù lái một loại tàu bay nhỏ hơn nhưng tôi cũng như họ, đã có một thời “tam biên oai trấn.”  Tuy không Tam Biên Oai Trấn mút chỉ thiên thần kiểu thầy Võ Ý nhưng cũng Tam Biên Oai Trấn 2 tuần một tháng.  Một tháng có 4 tuần mà tôi lên Pleiku 2 tuần thì cũng xứng đáng được gọi là Tam biên oai trấn lắm rồi.
Hai mươi bảy năm...
Hai mươi bảy năm, tôi học được một bài học.  Đó là đừng hối tiếc những gì đã mất, nhưng cũng không bao giờ được bỏ cuộc.  Chúng ta đã mất nước nhưng cuộc chiến chưa chấm dứt ở đây.  Chúng ta cần phải nuôi dưỡng mối thù.  Muốn làm chuyện lớn mà không có hận thù thì không làm được.
Tôi còn học được một điều nữa là chúng ta phải luôn luôn thay đổi để sống phù hợp với những thay đổi chung quanh mình, nhưng chúng ta cũng phải làm thế nào để những chân lý căn bản của chúng ta đừng bao giờ bị thay đổi.  Chân lý đó là:  Cộng Sản Việt Nam là kẻ thù của dân tộc Việt Nam.  Ngày nào còn Cộng Sản thì đừng nói gì đến chuyện tự do hay hạnh phúc hay hòa bình.
Hai mươi bảy năm...  một bên là nước Việt Nam nghèo khổ khốn nạn, một bên là nước Mỹ phú cường sung túc.  Một bên là những người Việt Nam lầm than khổn khổ, một bên là những người Mỹ gốc Việt rượu thịt ê hề nhưng tâm hồn khô héo tàn tạ...
Hai mươi bảy năm...
Viết xong tại San Jose ngày 27 tháng 9 năm 1999

1 comment: